(Sưu Tầm)
Loài người chúng ta đang sống trong một thế giới văn minh và khoa học, cho nên khi nói về người chết sống lại, thì nó dường như là một chuyện huyền thoại. Vì loài người chúng ta cho rằng Thượng Đế không thực hữu, và nếu Thượng Đế không thực hữu thì phép lạ không xảy ra. Và nếu Thương Đế thực hữu đi nữa, thì Ngài cũng ở đâu xa, chớ không can thiệp vào đời sống của con người.
Lễ Phục Sinh nói về sự sống lại của Chúa Giêxu, đây là nền tảng của niềm tin Cơ-đốc. Cơ-đốc giáo đứng hay ngã là tùy thuộc vào sự sống lại của Chúa Giêxu. Khi học giả Josh McDowell biện luận vớ một giáo sư triết học ở một trường đại học.
Giáo sư triết học nói rằng: “Chúa Giêxu có sống lại hay không, điều đó không quan trọng, điều quan trọng là anh tin hay không?”
Thưa quý đọc giả, câu này thật là hoang đường, vì sự sống lại của Chúa Giêxu rất quan trọng chẳng những đối với những người tin lẫn những người không tin. Vì nếu Chúa Giêxu không sống lại, thì hàng ngàn, hàng triệu người từ thế hệ này sang thế hệ khác trong 20 thế kỷ qua đã bị lường gạt. Họ đã mất tiền bạc của cải, thời giờ và thậm chí mất cả tánh mạng mình nữa chỉ vì tin vào sự sống lại của Chúa Giêxu. Và nếu Chúa Giêxu không sống lại thì đây là một sự lường gạt to lớn nhất từ xưa đến nay. Ngược lại, nếu Ngài thật sự sống lại thì những ai không tin sẽ bị hư mất đời đời trong hỏa ngục.
Hơn nữa, nếu Chúa Giêxu không sống lại, thì Ngài là một (a) kẻ lường gạt, (b) kẻ điên khùng hay là (c) kẻ ngu muội:
- Nếu Ngài không sống lại sau khi chết, thì Ngài là kẻ nói dối. Vì chính Ngài nói rằng mình sẽ sống lại sau 3 ngày chết. Như vậy thì Ngài là kẻ lường gạt rồi.
- Nếu Ngài không sống lại sau khi chết, thì Ngài là kẻ điên khùng. Vì chỉ có người điên khùng mới nói mình sẽ sống lại sau khi chết.
- Nếu Ngài không sống lại sau khi chết, thì Ngài là kẻ ngu dại. Vì Ngài đã nói rằng mình sẽ sống lại sau 3 ngày chết; và vì lời nói này mà người ta đã giết Ngài. Cho nên chỉ có kẻ ngu dại mới thốt ra lời nói đó để rồi bị giết.
Cho nên sự sống lại của Chúa Giêxu rất quan trọng đối với niềm tin Cơ-đốc. Nếu Ngài không sống lại, có nghĩa là xác của Ngài vẫn còn nằm trong mộ, thì đáng thương hại và tội thay cho những ai tin Ngài; vì cả đời mình đã bị lừa gạt và tin vào chuyện hoang đường. Cũng như thánh Phao-lô đã nói: “Nếu Đấng Christ không sống lại, thì sự giảng dạy của chúng tôi ra luống công, và đức tin anh em cũng vô ích…và nếu Đấng Christ đã không sống lại…thì anh em vẫn còn ở trong tội lỗi mình… Nếu chúng ta chỉ có sự trong cậy trong Đấng Christ về đời này mà thôi, thì trong cả thiên hạ, chúng ta là kẻ khốn nạn hơn hết.” (1 Co.15:14,17,19)
Học giả Gary Habermas đã thu thập hơn 1,400 tác phẩm của các học giả cực lực chỉ trích về sự sống lại của Chúa Giêxu. Trong quyển sách “The Risen Jesus and Future Hope”, học giả Habermas cho biết rằng hầu hết các học giả có quan điểm bảo thủ hay tự do đều đồng ý những điểm sau đây về Chúa Giêxu và Cơ-đốc giáo và cho là sự kiện thật đã xảy ra trong lịch sử:
- Chúa Giêxu đã chết bởi bị đóng đinh trên thập tự.
- Ngài đã được chôn trong mộ, chẳc có lẽ là mộ của người khác.
- Liền sau đó, các môn đệ Ngài đã nản lòng, chán nản và mất hy vọng.
- Liền sau đó, ngôi mộ của Chúa Giêxu trống không (Khoảng 75% học giả đồng ý về điểm này).
- Các môn đệ Ngài kinh nghiệm và tin rằng Ngài đã sống lại và hiện ra.
- Bởi những kinh nghiệm này, cho nên đời sống của những môn đệ Ngài đã được biến đổi và sẵn lòng chịu chết vì điều mình tin.
- Sự sống lại của Chúa Giêxu đã được giảng dạy từ lúc ban đầu của lịch sử hội thánh.
- Sự sống lại của Chúa Giêxu đã được các môn đệ Ngài công khai chứng nhận và giảng dạy tại thành Jêrusalem, là nơi mà Ngài đã bị đóng đinh không lâu trước đó.
- Trọng điểm của sứ điệp Tin Lành là giảng dạy về sự chết và sự sống lại của Chúa Giêxu.
- Chúa Nhật, ngày chánh để tụ họp nhau lại thờ phượng, cũng là để kỷ niệm sự sống lại của Chúa Giêxu.
- Trước đây Gia-cơ, em Chúa Giêxu là người không tin; nhưng sau khi thấy Ngài sống lại thì tin.
- Chỉ vài năm sau, Sau-lơ (Phao-lô) là người đã bắt bớ những ai tin Chúa Giêxu, nhưng đã tin sau khi gặp Ngài hiện ra.
Mặc dầu các học giả đồng ý những điểm trên có thật xảy ra trong lịch sử, nhưng các học giả này cũng đã đưa ra những giả thuyết để từ chối hay bác bỏ sự sống lại của Chúa Giêxu.
Đây là những giả thuyết mà họ đã đưa ra:
Giả thuyết 1 – Những nhân chứng đến sai ngôi mộ.
Giả thuyết này cho rằng những môn đệ Chúa Giêxu đã đến sai mộ, rồi cho rằng Ngài đã sống lại. Chúng ta thấy giả thuyết này không hợp lý chút nào.
1. Không phải chỉ một người đến thăm mộ Chúa, mà có mấy người đàn bà cùng Giăng và Phierơ. Nếu các môn đệ Chúa Giêxu đến sai mộ thì những nhà Do-thái giáo cùng với chính quyền La-mã sẽ đến đúng mộ và phơi bày xác chết của Chúa Giêxu ra là xong. Những người Do-thái chắc chắn là biết ngôi mộ này, vì ngôi mộ này thuộc sở hữu của Joseph ở Arimathea (là một thành viên của toà án Do-thái). Và chính những người La-mã cũng biết ngôi mộ này, vì những lính của họ canh giữ mộ để khỏi ai trộm xác.
2. Thí dụ như tất cả đều đến sai mộ, thì điều này cũng không giải thích được 12 lần hiện ra của Chúa Giêxu. Hãy nhớ rằng ngôi mộ trống này không làm cho tất cả những môn đồ Ngài tin (ngoại trừ Giăng). Điều mà làm cho các môn đệ Ngài tin là sự hiện ra của chính Ngài; Từ những con người sợ chết như thỏ đế, mà giờ đây đã biến thành những dõng sĩ và sẵn sàng đối diện với sự chết. Trong đó có Gia-cơ em Chúa, trước không tin, nhưng sau thấy Chúa sống lại thì tin. Còn Sau-lơ là người trước đã bắt bớ những ai tin Chúa Giêxu, nhưng sau gặp Chúa thì trở thành một nhà truyền giáo nổi tiếng nhất trong lịch sử.
Giả thuyết 2 – Chúa Giêxu chưa chết khi chôn.
Giả thuyêt này cho rằng, khi Chúa Giêxu bị treo trên cây thập tự thì ngất đi, nhưng người ta tưởng rằng Ngài đã chết. Và sau khi được đặt trong mộ, thì Ngài tỉnh dậy và ra khỏi. Giả thuyết này có nhiều điều thiếu sót.
- Kẻ thù và người thân Chúa Giêxu đều tin rằng Ngài đã chết. Những người lính La-mã là những người hành hình chuyên nghiệp, họ đã dùng roi da có những miếng xương hay chì buộc vào để đánh Ngài đến nổi phải gục xuống. Họ đã đóng đinh vào tay lẫn chân của Ngài (vào năm 1968, khảo cổ học đã tìm được bộ xương của một người bị đinh đóng vào chân và tay ở một hang tại thành Jêrusalem). Rồi họ dùng gươm đâm vào hông (Tác giả La-mã Quintilian ở thế kỷ thứ nhất cho biết rằng giáo đâm vào tim là một việc làm thường xảy ra cho những người bị đóng đinh trên thập tự). Họ không đánh gãy chân Ngài (để khỏi đẩy người lên thở, đây là cách làm cho tội nhân chết lẹ hơn) vì biết Ngài đã chết rồi. Và hơn nữa, chính vì Ngài đã chết rồi nên những môn đệ Ngài đã hoàn toàn mất hy vọng.
Chẳng những những người ở thế kỷ thứ nhất tin rằng Chúa Giêxu đã chết, nhưng các nhà y sĩ ngày nay cũng tin rằng Ngài đã chết thật. Vì trong bài viết “On the physical death of Jesus Christ” của tạp chí The Journal of the American Medical Association vào tháng 3, này 21, năm 1986; ba bác sĩ y khoa kết luận rằng: “Rất rõ ràng, là theo sự cân nhắc của lịch sử và bằng chứng y khoa cho thấy rằng Giêxu đã chết trước khi bị gây ra vết thương bên hông, điều này chứng minh theo truyền thống rằng cây giáo đâm vào giữa xương sườn bên phải của Ngài, có lẽ chẳng những làm thủng lá phổi bên phải nhưng cũng vào tim nữa để đảm chắc sự chết của ngài. Cho nên, theo sự giải thích rằng Giêxu không chết trên cây thập tự là ngược lại với sự hiểu biết của y khoa ngày nay.”
- Khi Chúa Giêxu chết thì đuợc Joseph ở Arimathea và Nicodem dùng 75 pounds thuốc để ướp xác, nếu dùng nhiều thuốc như vậy để ướp xác một người còn sống thì đó là một lỗi lầm rất lớn.
- Nếu Chúa Giêxu chưa chết khi chôn, thì cũng sẽ chắc chắn phải chết sau ba mươi mấy tiếng đồng hồ trong mộ vì những vết thương trên người.
- Và nếu Chúa Giêxu không chết trong ngôi mộ, nhưng Ngài làm thế nào để mở vải liệm quấn chung quanh người, dời tảng đá nặng gần 2 tấn và trốn thoát những người lính canh?
- Có những sách vở của các sử gia và những người ngoại giáo cho biết rằng Chúa Giêxu đã chết vì bị đóng đinh trên thập tự. Chẳng hạn như sử gia Do-thái Josephus; sử gia La-mã Tacitus; sử gia Thallus (mặc dầu những tác phẩm của ông đã mất chỉ còn lại vài mảnh, nhưng đã được trích lại trước khi mất); 3 sử gia này đều ở thế kỷ thứ nhất. Ngoài ra, sự chết của Chúa Giêxu cũng được viết trong sách vở Talmud của người Do-thái.
Chính vì 5 lý do này mà giả thuyết cho rằng Chúa Giêxu chưa chết khi chôn thật không hợp lý chút nào.
Giả thuyết 3 – Các môn đệ Ngài lấy cắp xác.
Giả thuyết này cho rằng các môn đệ của Chúa Giêxu trộm lấy xác của Ngài rồi loan tin rằng Ngài đã sống lại từ cõi chết. Giả thuyết này lại càng không hợp lý hơn.
- Vì nếu thật sự vậy thì những môn đệ Chúa Giêxu đều là những người chứng dối; Nhưng tại sao họ phải làm vậy để rồi phải bị đánh đòn, tra tấn, rồi thậm chí bị giết? Chỉ vì chứng dối? Người ta có thể vì lẽ thật mà chịu chết, chớ không ai muốn làm sự giả dối để được chết.
- Dầu các môn đệ Ngài muốn âm mưu làm việc này cũng không được, vì ở tại mộ có lính La-mã dùng tánh mạng mình để canh giữ xác Chúa Giêxu.
- Nếu Chúa Giêxu không sống lại, thì ai đã 12 lần hiện ra cho nhiều người thấy, trong đó có những người trước đây không tin Ngài (Gia-cơ, Phao-lô và những người khác). Và trong 12 lần hiện ra đó, có lần Ngài đã hiện ra cho hơn 500 người thấy.
Giả thuyết 4 – Người khác bị đóng đinh trên thập tự.
Giả thuyết này cho rằng người bị đóng đinh trên thập tự không phải là Chúa Giêxu nhưng là một người khác. Đây là sự giải thích của đạo Hồi, vì Kinh Hồi nói rằng Chúa Giêxu có vẻ như là bị đóng đinh trên thập tự, nhưng thật sự người bị đóng đinh chỉ phần giống Ngài chớ không phải Ngài.
- Thật không có một bằng chứng nào về lập luận này cả.
- Lập luận này chỉ đến 600 năm sau sự chết của Chúa Giêxu, thì làm sao có đủ thẩm quyền để biết được sự thật của câu chuyện so với những chứng nhân cùng thời điểm với Chúa Giêxu là những người mắt thấy tai nghe.
- Hơn nữa, chẳng lẽ các nhân chứng về sự chết của Chúa Giêxu đã bị lừa gạt sao? Còn các môn đệ, thân nhân và những người theo Ngài, cùng với những người lính La-mã, cộng thêm những kẻ thù của Ngài là những người Do-thái giáo tất cả đều bị đánh lừa luôn sao? Còn các sử gia ngoại đạo và sách vở Talmud nói rằng Ngài đã chết trên thập tự thì sao?
- Và nếu Chúa Giêxu không phải là người chết trên thập tự, thì tại sao ngôi mộ của người chết này lại trống không? Chẳng lẽ chúng ta tin rằng người chết trên thập tự này đã sống lại?
Cho nên nếu chúng ta tin vào lý thuyết này, là lý thuyết mà đã được đặt ra 600 năm sau sự kiện xảy ra, thì tất cả những nhân chứng và sử gia ở thế kỷ thứ nhất đều sai cả.
Giả thuyết 5 – Nhà cầm quyền hoặc người Do-thái giáo dời xác chết.
Giả thuyết này cho rằng nhà cầm quyền La-mã hoặc những người Do-thái giáo dời xác chết của Chúa Giêxu đến một mộ khác, vì vậy mộ Chúa Giêxu trống không và các môn đệ tưởng rằng Ngài đã sống lại.
- Nếu thật sự nhà cầm quyền hoặc người Do-thái giáo biết và có xác Chúa Giêxu, thì tại sao lại đổ thừa cho các môn đệ Ngài trộm lấy? Họ chỉ cần đưa xác Chúa Giêxu ra thì câu chuyện về sự phục sinh sẽ chấm dứt ngay từ lúc đó. Nhưng vì cách phản ứng của nhà cầm quyền La-mã và những người Do-thái giáo đối với ngôi mộ trống không cho chúng ta thấy rằng họ hoàn toàn không biết xác của Chúa Giêxu ở đâu cả. Họ chỉ chống đối về câu chuyện sự sống lại của Ngài, mà không có bằng chứng để bác bỏ.
- Còn 12 lần mà Chúa Giêxu đã hiện ra thì sao? Và những người trước đây không tin và sau lại tin thì giải nghĩa như thế nào?
Giả thuyết 6 – Các môn đệ Ngài bị ảo ảnh hoặc nhầm lẫn người khác.
Giả thuyết này cho rằng những môn đệ Chúa Giêxu bị ảo ảnh hay tưởng tượng thấy Ngài, hoặc họ nhìn lầm người khác rồi cho là Ngài đã sống lại.
- Con người chúng ta chỉ có thể ảo ảnh về điều chúng ta tin hay mơ tưởng, nhưng không ai bị ảo ảnh về điều mình không tin hay nghi ngờ. Đó là điều mà những môn đệ Chúa Giêxu đã làm. Khi Ngài bị bắt và đóng đinh, thì họ sợ hãi và bỏ trốn. Kể cả Thô-ma là người lúc đầu cũng không tin sự sống lại của Ngài.
- Trong 40 ngày sau khi sống lại, 3 lần Chúa Giêxu ăn uống với họ, Ngài bảo họ rờ tay có dấu đinh và vết đâm bên hông. Chúa Giêxu đã hiện ra 12 lần với họ, có lần hơn 500 người xem thấy, chẳng lẽ hơn 500 người này đều bị ảo ảnh hết sao?
- Còn ngôi mộ trống không thì phải giải thích như thế nào? Nếu những môn đệ Chúa Giêxu nhìn lầm tưởng là Ngài, thì chính quyền La-mã và những người Do-thái giáo có thể dẫn họ đến mộ thì sẽ thấy xác ngay.
Giả thuyết 7 – Những người viết Thánh Kinh Tân Ước bắt chước những thần ngoại giáo.
Giả thuyết này cho rằng chuyện người chết sống lại trong Kinh Thánh Tân Ước như là một chuyện huyền thoại, vì những trước giả của Thánh Kinh Tân Ước bắt chước hay phỏng theo các thần ngoại giáo như thần Marduk của Babylôn, thần Adonis của Hy-lạp, hay là thần Osiris của Ai-cập. Nhưng thật sự có phải vậy không?
- Sự kiện về sự sống lại của Chúa Giêxu hoàn toàn khác hẳn với các thần ngoại giáo. Vì sự sống lại của Chúa Giêxu đã được nhiều người thấy, và những người này là những người thật sống trong lịch sử.
- Những người này đã sẵn sàng chịu hy sinh vì những gì mình đã nghe thấy. Và những sử gia ngoại giáo đã chứng nhận điều này. Và các học giả đã đồng ý về 12 điểm trên của câu chuyện phục sinh.
- Hy-lạp hoặc La-mã tin về sự đầu thai vào một thể xác khác với xác đã chết (luân hồi). Nhưng sự sống lại của Chúa Giêxu là sự sống lại của thân thể y như trước khi chết. Hơn nữa Hy-lạp tin theo thuyết đa thần, nhưng Kinh Thánh Tân Ước chỉ dạy có một Đức Chúa Trời duy nhất.
- Theo sử gia Edwin Yamauchi (là người đã học và nghiên cứu 22 ngôn ngữ, cũng đã giảng dạy trên 100 trường cao đẳng và đại học, trong đó có trường Yale, Princeton và Cornell) trong bài viết “Easter-Myth, Hallucination or History?” cho tạp chí Christianity Today (3-15-74 và 3-29-74), ông nói rằng câu chuyện về sự chết và sống lại của các vị thần ngoại giáo không xuất hiện cho đến 150 năm sau Chúa Giáng Sinh, có nghĩa là hơn 100 năm sau Cơ-đốc giáo. Cho nên nếu có sự bắt chước, thì đúng hơn là ngoại giáo bắt chước Thánh Kinh Tân Ước. Nhưng dầu có những câu chuyện về các thần chết sống lại trước thời Cơ-đốc giáo, thì cũng không có nghĩa là Thánh Kinh Tân Ước copy theo.
- Không đủ thời gian để bịa đặt ra câu chuyện huyền thoại, vì Thánh Kinh Tân Ước không giống như những văn kiện cổ khác, chẳng hạn như Kinh Phật Giáo, hay Kinh Hồi Giáo. Học giả Yamauchi cho biết rằng Phật Thích Ca sống ở thế kỷ thứ 6 B.C. nhưng cho đến thế kỷ thứ 1 A.D. thì Kinh Phật và tiểu sử của Đức Phật mới được viết xuống. Còn tiên tri Muhammad của Hồi Giáo sống vào năm A.D. 570-632, nhưng cho đến năm A.D. 767 thì Kinh Hồi và tiểu sử của Muhammad mới được viết xuống; Thời gian càng dài thì chuyện huyền thoại càng dễ khuếch trương.
Chẳng hạn như câu chuyện của triết gia Hy-lạp Apollonius ở Tyana sống ở thế kỷ thứ nhất, nhưng 150 năm sau cái chết thì tiểu sử của ông mới được viết xuống bởi Flavius Philostraus (A.D. 216). Ông Philostraus nói rằng Apollonius đã làm những phép lạ và sống lại sau khi chết như Chúa Giêxu. Nhưng nếu chúng ta tra xét kỹ lưỡng thì sẽ thấy rằng, không một nhân chứng nào cùng thời với Apollonius chứng nhận những điều này, nhưng chỉ có ông Philostraus là người sống 150 năm sau sự kiện. Cho nên rất dễ để cho chuyện huyền thoại tiêm nhiễm.
Nhưng đối với Chúa Giêxu thì lại khác, vì sau khi Chúa Giêxu chết sống lại vào năm A.D. 33, thì các môn đệ Ngài liền giảng dạy về sự sống lại của Ngài. Và hầu hết sách Thánh Kinh Tân Ước được chép vào khoảng A.D. 40-70 (ngoại trừ những lá thơ của Giăng A.D. 85-95). Hơn nữa những nhân chứng về sự sống lại của Chúa Giêxu vẫn còn sống đó và họ có thể hỏi những nhân chứng đó. Điều này cho chúng ta thấy rằng không đủ thời gian để bịa đặt ra được câu chuyện về sự sống lại của Chúa Giêxu.
Bảy giả thuyết trên cho chúng ta thấy rằng tất cả đều hoàn toàn trái ngược lại với những bằng chứng của sự kiện trong buổi sáng phục sinh đầu tiên. Hơn nữa, chúng ta có thể so sánh sự sống lại của Chúa Giêxu với các thần ngoại giáo như sau:
Sự sống lại của Chúa Giêxu
1. Được ghi chép lại cùng một thời kỳ.
2. Nhiều nhân chứng đáng tin đã ghi lại.
3. Hiện ra bằng thân thể xác thịt.
4. Làm những phép lạ để chứng minh.
Sự sống lại của các vị thần ngoại giáo
- Không ghi chép lại cùng một thời kỳ.
- Không nhân chứng.
- Không bằng chứng về sự hiện ra.
- Không phép lạ xảy ra.
Việc gì đã xảy ra ở tại ngôi mộ tróng không, mà đã làm thay đổi 5 nếp sống xã hội của những người Do-thái?
- Người Do-thái đã được dạy từ đời tổ phụ của họ là Abraham và Moses rằng, mỗi năm họ phải dâng một con thú để làm lễ chuộc tội. Tội lỗi của họ sẽ được chuyển sang con thú, và tội lỗi họ sẽ được tha thứ. Nhưng sau cái chết của Chúa Giêxu, thì đột ngột họ không dâng con thú làm lễ chuộc tội nữa.
- Người Do-thái phải giữ luật pháp của Đức Chúa Trời ban cho họ qua Moses, đối với họ đây là điểm để phân biệt họ với những quốc gia khác. Nhưng một thời gian ngắn sau cái chết của Chúa Giêxu, thì họ tin Ngài đã sống lại và chịu bỏ đi luật pháp của Moses là điều làm cho dân tộc họ gắn bó nhau.
- Người Do-thái tuyệt đối giữ ngày Sabbath (Thứ Bảy), vì đó là ngày lễ của tôn giáo họ, làm vậy họ mới có thể dạn dĩ đến với Đức Chúa Trời của họ, và bảo đảm sự cứu rỗi cho gia đình mình, vì không thì họ sẽ bị quăng vào địa ngục đời đời. Nhưng chỉ vì tin vào sự sống lại của Chúa Giêxu mà họ đã bỏ 1,500 năm truyền thống bằng cách đổi ngày lễ từ Thứ Bảy sang Chúa Nhật.
- Người Do-thái tin vào một Đức Chúa Trời duy nhất, và Cơ-đốc giáo cũng dạy vậy nhưng một Đức Chúa Trời gồm có 3 Ngôi Vị: Đức Cha, Đức Con và Đức Thánh Linh. Giáo lý này hoàn toàn khác hẳn với tín lý của người Do-thái, đối với họ đây là dị giáo. Nhưng vì sự sống lại của Chúa Giêxu cho nên họ thờ Ngài như là Đức Chúa Trời duy nhất.
- Người Do-thái được dạy và tin rằng, Đấng Cứu Thế sẽ đến qua một lãnh đạo chính trị và sẽ giải phóng họ khỏi sự hà hiếp của La-mã. Nhưng rồi họ lại tin vào Đấng Cứu Thế Giêxu là người đã bị đánh đập, hành hạ và chịu chết vì tội lỗi của nhân loại. Lý do gì đã làm cho hàng chục ngàn người Do-thái thay đổi 5 thói quen thông thường của họ chỉ một thời gian ngắn sau cái chết của Chúa Giêxu? Họ làm vậy chỉ vì Ngài đã sống lại sau 3 ngày chết.
Việc gì đã xảy ra tại ngôi mộ trống không cách thành Giê-ru-sa-lem 15 phút đi bộ mà đã chia đôi dòng lịch sử và đã hoàn toàn biển đổi đời sống của muôn vạn người từ thế kỷ này sang thể kỷ khác? Tại sao những môn đệ Ngài từ những kẻ nhút nhát sợ hãi trở thành những người gan dạ, chịu khổ, đói khát, đánh đập, hành hạ, bỏ tù, và cuối cùng bị tử đạo? Để được lợi ích gì? Chẳng lợi ích gì cả và chỉ có hại, nhưng họ chịu mọi điều đó chỉ vì họ đã chứng kiến sự sống lại của Chúa Giêxu.
Có người nói rằng, những tín đồ của các đạo giáo khác cũng sẵn sàng chịu chết như vậy; Chẳng hạn như những tín đồ Phật giáo, Jim Jones, David Koresh và đặc biệt là Hồi giáo. Cho nên có sự khác biệt gì đâu?
Có sự khác biệt rất xa, chẳng hạn như những tín đồ Hồi giáo tin rằng Allah đã mạc khải chính mình cho Muhammad, nhưng sự mạc khải này không xảy ra ở nơi công cộng và không ai chứng kiến, cho nên họ có thể sai lầm về điều này. Mặc dầu họ thật lòng tin là sự thật, nhưng thật lòng tin là sự thật chưa hẳn là sự thật. Vì chỉ có lẽ thật mới dẫn chúng ta đến lẽ thật,
Nhưng các môn đệ của Chúa Giêxu thì không phải họ chỉ tin mà chịu chết, nhưng họ biết chắc chắn và sẵn sàng chịu chết vì mắt họ thấy, tai họ nghe và bàn tay họ đã rờ đụng vào thân thể sống lại của Ngài. Hơn nữa, nếu sự sống lại của Chúa Giêxu là một sự dối trá, thì các môn đệ của Ngài lại càng không hy sinh tính mạng mình làm chi, vì con người chúng ta chỉ chịu chết cho lẽ thật, chớ không ai chịu chết cho sự dối trá.
Nếu một người từ chối những chứng kiến về sự sống lại của Chúa Giêxu, thì họ phải đưa ra những chứng cớ hợp lý để giải thích và bác bỏ sự sống lại của Ngài trong buổi Phục Sinh đầu tiên.
Thưa quý đọc giả, Lễ Phục Sinh không phải chỉ là một lễ nghi hay là một giáo lý thần học do con người đặt ra. Lễ Phục Sinh cũng không phải là một câu chuyện huyền thoại, hay là câu chuyện ông già Nô-en. Nhưng nó căn cứ vào sự kiện thật xảy ra trong lịch sử, và sự kiện này không lập lại nữa, cho nên chúng ta cần phải dùng những bằng chứng pháp luật để xét xử. Và đó là điều mà giáo sư luật nổi tiếng Simon Greenleaf của trường đại học Harvard đã làm sau khi một số sinh viên thách thức ông; Ông đã áp dụng phương pháp trong 3 quyển sách “A Treatise on the Law of evidence” của ông, và giáo sư Simon Greenleaf đã kết luận rằng, theo những bằng chứng pháp luật mà dùng trong tòa án, bằng chứng về sự sống lại của Chúa Giêxu trong lịch sử vượt quá tất cả những bằng chứng khác đã xảy ra trong lịch sử. (An examination of the Testimony of the Four Evangelists by the Rules of Evidence Administered in the Courts of Justice)
Ngài đã sống lại. Từ đời xưa cho đến đời nay, từ người già đến người trẻ, từ người giàu đến người nghèo, từ những vị vua chúa đến những người dân thường, từ những người học thức đến những người dốt nát, từ cảnh sát đến tội phạm, những người có nghề nghiệp khác nhau, quốc gia khác nhau, màu da khác nhau, kể cả những người trước đây có tôn giáo khác nhau, tất cả mọi người có tầng lớp khác nhau trong xã hội, đời sống của họ đã được biển đổi chỉ vì sự sống lại của Chúa Giêxu.