Skip to content
Home » Khái niệm “Ông Trời” đối với người Việt Nam là gì?

Khái niệm “Ông Trời” đối với người Việt Nam là gì?

Từ lâu người Việt Nam đã biết có Ông Trời, tin Ông Trời và cầu khẩn Ông Trời. Niềm tin này vốn có trong tiềm thức của người dân Việt ngay cả khi có các tôn giáo khác du nhập vào nước ta. Niềm tin này đã thể hiện qua ngôn ngữ và nếp sống của chúng ta.

Kêu Trời

Điều dễ hiểu nhất và không ai phủ nhận được là hễ gặp bất cứ việc gì bất lợi xảy đến, câu nói buộc miệng trước hết của người Việt Nam là kêu “Trời ơi”.

Khi rủi ro đứt tay, vấp chân, té ngã, người ta kêu Trời. Khi gặp buồn khổ, chán nản, chết chóc, thất bại, người ta kêu Trời. Khi thành công, hạnh phúc, bình an, người ta nói nhờ Trời. Khi gặp tai nạn người ta kêu Trời cứu. Chúng ta thường nói: “Cầu Trời cho tai qua nạn khỏi”.

Kính Trời

Tuy không biết rõ ông Trời là Đấng như thế nào nhưng người Việt Nam ai cũng kính Trời, vì hiểu rằng có Ông Trời rồi mới có ta. Trong ngôn ngữ bình dân, dù là câu nói vui đùa mỗi khi mà nhắc đến Trời thì người ta không dám nói thiếu chữ Ông đi trước chữ Trời. Người ta gọi “Ông Trời” với lòng tôn kính. Người Tin Lành tôn thờ Ngài nên gọi là Đức Chúa Trời.

Cầu Trời

Người Việt Nam phần lớn sống bằng nghề nông nghiệp, biết rằng mùa màng được hay mất cũng do Trời

Nhờ Trời năm nay được mùa!

Người nông dân lúc nào cũng tâm nguyện cầu Trời cho cơm no áo ấm:

Lạy Trời mưa xuống

Lấy nước tôi uống

Lấy ruộng tôi cày

Lấy đầy bát cơm…

Chúng ta truyền tụng về ơn Trời bằng những câu ca dao, bài hát dân dã:

Nhờ Trời mưa thuận gió hòa

Nào cầy nào cấy trẻ già đua nhau

Hoặc

Lạy Trời mưa thuận gió đều

Cho đồng lúa tốt, cho chiều lòng em.

Người Việt Nam tôn trọng chữ hiếu và mong cho cha mẹ sống lâu, gia đình được phước. Vì thế họ lập bàn thờ Ông Thiên để thờ Trời ngay trước cửa nhà. Người con có hiếu từng đêm đến trước bàn thờ cầu khẩn:

Mỗi đêm mỗi thắp đèn Trời

Cầu cho cha mẹ sống đời với con.

Tin Trời

Trải bao đời, người Việt tin Ông Trời là Đấng Tạo Hóa, tạo thiên lập địa, Đấng cầm quyền sống chết làm chủ vận mệnh muôn loài, quyền phép vô cùng. Người Việt chúng ta đều quen thuộc với những khái niệm:

Thiên sinh vạn vật, duy nhân tối linh.

Đại phú do Thiên, tiểu phú do cần.

Trời sinh voi sinh cỏ.

Trời cho ai nấy hưởng.

Trời kêu ai nấy dạ.

Sống nhờ ơ Trời, chết về Chầu Trời.

Cũng có câu:

Trời cho không ai thấy, Trời lấy không ai hay.

Người Việt công nhận và tin tưởng Ông Trời cầm quyền thành bại trong cuộc sống của loài người:

Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên.

Người Việt tin Trời là Đấng Công Bình, cầm quyền họa phú vì vậy đã thường nhắn nhủ với nhau:

Ở hiền thì gặp lành

Những người nhân đức Trời dành phúc cho.

Người Việt cũng tin tưởng:

Hoàng Thiên bất phụ hảo tâm nhân

Nghĩa là: Trời không phụ bạc người có lòng tốt bao giờ

Trong hôn nhân đôi lứa người Việt tin tưởng hạnh phúc vợ chồng là do Ông Trời sắp đặt:

Duyên ba sinh Trời đã sẵn dành.

Khi thấy số phận không may hoặc tình duyên dang dở, người ta thường ngửa mặt lên Trời than thở, dường như muốn nói với Đấng Tạo Hóa hết lòng mình rằng:

Chữ bạc mệnh ai ơi thấu với

Câu đa đoan Trời hỡi thấu chăng?

(Trong ‘Tự tình khúc’ của Cao Bá Nhạ).

Thi hào Nguyễn Du đã khuyên trong truyện Kiều:

Đã mang lấy nghiệp vào thân

Cũng đừng trách lẫn Trời gần xa

Kết luận truyện Kiều, Nguyễn Du đã viết:

Ngẫm hay muôn sự tại Trời

Trời kia đã bắt làm người có thân

Bắt phong trần phải phong trần

Cho thanh cao mới được phần thanh cao.

Nhờ Trời

Lịch sử Việt Nam có ghi chép chuyện về danh tướng Lý Thường Kiệt, trong lúc kháng cự quân Tống xâm lăng đã làm bốn câu thơ và loan truyền là do Thần Linh báo mộng ban cho để khích lệ tinh thần binh sĩ yên tâm đánh giặc:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư (Sông núi nước Nam, vua Nam ở)

Tiệt nhiên định phận tại Thiên Thư (Rành rành định phân tại sách Trời)

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm (Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm)

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư (Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời!)

Đây là cách áp dụng chiến tranh tâm lý-mượn oai Trời. Kết quả là quân lính nức lòng đánh giặc, quân Tống không tiến được nữa đành giảng hòa. Rõ ràng câu chuyện này nói lên niềm tin mãnh liệt của dân tộc Việt nơi tể trị của Ông Trời, trong đó mọi vận mệnh nhân dân đất nước do Trời định đoạt.

Nước non là nước non Trời

Ai chia được nước, ai dời được non?

Thờ Trời

Trải qua nhiều thế kỷ, ngay cả khi có các triết lý, tôn giáo của Khổng Giáo, Lão Giáo và Phật Giáo truyền đến, người dân Việt vẫn lấy tín ngưỡng thờ Trời làm nền tảng để giữ gìn truyền thống dân tộc, gia đình. Cả ba tôn giáo chính nói trên đã góp phần củng cố thêm niềm tin hợp với đạo Trời. Ngay cả Phật Giáo với khái niệm mờ nhạt về Ông Trời khi đến Việt Nam cũng phải chấp nhận ý niệm “Cầu Trời khấn Phật”.

Hợp lẽ Trời, thuận lòng người, là đạo lý của người Việt Nam. Dù thực hành tín ngưỡng nào, người Việt ai nấy cũng công nhận:

Thuận Thiên gia tôn, nghịch Thiên gia vong.

Nghĩa là: Thuận với Trời thì còn, nghịch với Trời thì mất.

Chính vì đó mà người dân Việt thờ Trời.

Ngay từ thời các vua Hùng dụng nước người ta đã biết thờ Trời. Mỗi năm nhà Vua thay mặt nhân dân lập đàn tế Trời, cầu Trời cho dân chúng được an cư lạc nghiệp.

Trong gia đình người ca thay mặt để cầu Trời phù hộ cho gia đình, con cháu hạnh phúc. Các triết lý du nhập từ Trung Quốc hoặc Ấn Độ đã không thể đồng hóa hoàn toàn tín ngưỡng của người dân Việt được. Trái lại, những tín ngưỡng nào phù hợp với tình cảm thiêng liêng trong sáng của người Việt thì được tiếp nhận với tinh thần chọn lọc phê phán.

Người Việt Nam chúng ta phần lớn không tin ở thuyết luân hồi. Bằng cớ là nhiều người Việt thờ cúng ông bà vì tin rằng vong linh ông bà vẫn còn ở đó. Mỗi năm nhân dịp Tết cổ truyền, người ta rước ông bà về vui xuân với con cháu, rồi tiễn ông bà đi. Nếu tin ở thuyết luân hồi thì phải tin ông bà cha mẹ đã hóa kiếp thành người ngoại quốc nào khác, hoặc con thú nào đó trong rừng, hoặc con vật nào đó trong bầy gia súc trong vườn…Nếu tin rằng ông bà đã luân rồi, đầu thai hóa kiếp thì người ta sẽ không rước tiễn ông bà, cũng không dám ăn thịt hoặc giết chết một con vật nào. Rõ ràng người Việt Nam chúng ta tin ở giá trị thiêng liêng và bất tử của linh hồn. Chúng ta tin ở đời sau. Chúng ta tin một cách mơ hồ rằng linh hồn của mọi người chết là về chầu Trời.

Người dân Việt Nam hiền hòa nhưng bất khuất. Lúc cần ai nấy đều có thể chịu đựng hy sinh vì nghĩa lớn. Trong quan hệ bình thường, người Việt áp dụng tinh thần “dĩ hòa vi quý”.

Trong cuộc sống có những điều không lý giải được, người Việt vẫn tin tưởng ở mệnh Trời, hy vọng một ngày mai tươi sáng hơn:

Còn Trời còn đất còn non nước

Có lẽ ta đâu mãi thế này?

Người Việt tin tưởng và yêu chuộng những nguyên tắc sau:

Ở hiền gặp lành,

Ông Trời có mắt.

Người Việt quý trọng và ao ước những giá trị trời ban như thiên ân, thiên tài, thiên bẩm, thiên chức, thiên hương, thiên tướng, thiên tư. Tuy nhiên…

Người Việt Hiểu Biết Về “Ông Trời” chưa đầy đủ.

Giống như nhiều dân tộc khác trên thế giới, sự nhận biết về Đức Chúa Trời có thể nói là một sự hiểu biết tự nhiên mà Ông Trời ban cho nhân loại. Dân tộc nào cũng có chữ Ông Trời hay Thượng Đế trong ngôn ngữ của mình.

Thật vậy, khi quan sát vạn vật thiên nhiên với cảnh trí đẹp đẽ tuyệt vời, với không gian bao la vô tận, với sự cấu tạo tinh vi, diệu kỳ, muôn hình vạn trạng, với quy luật bốn mùa: Xuân, hạ, thu, đông, trật tự chính xác vô cùng, với bản năng lạ lùng bất biến của các loài vật…rồi nhìn lại con người với thân thể kỳ diệu, với sự nhiệm mầu trong việc sinh sản, với tình cảm thiêng liêng, với những giá trị tinh thần, với những kinh nghiệm về quy luật đạo đức trải qua các đời, với ý chí tự do lựa chọn…cùng với bao nhiêu chứng cớ khác nữa trong cuộc sống, người ta phải thừa nhận có Đấng Tạo Hóa, có Ông Trời. Chính Ông Trời đã tạo nên tất cả, Ngài đang điều khiển, bảo tồn tất cả quy luật thiên nhiên và đạo đức trên thế giới này.

Nhưng thiên nhiên chưa đủ để con người biết rõ về bản tính, ý muốn và chương trình vĩnh cữu của Đức Chúa Trời. Bởi trong thực tế khi nhìn thiên nhiên có người suy luận hữu thần, có người suy luận phiếm thần, hoặc có người suy luận đa thần, thậm chí có người suy luận vô thần. Thiên nhiên chưa đủ để người ta biết rõ Đức Chúa Trời thực hữu độc lập với các tạo vật do Ngài dựng nên và Ngài là Chân Thần duy nhất.

Người Việt biết ông Trời có bản tính công bình, nhưng chưa biết Đức Chúa Trời là Đấng đầy lòng thương và ân điển.

Người Việt tin mệnh Trời không ai thay đổi được, kể cả số phận của mỗi người cũng được an bài, nhưng người Việt chưa biết Đức Chúa Trời là Đấng tôn trọng ý chí tự do của con người và là Đấng hay thưởng cho kẻ tìm kiếm Ngài.

Người Việt biết mình cần ăn ở hiền lành, nhưng không biết rằng tất cả việc mình lành mình làm dù cao quý vẫn còn thiếu hụt, không thể sánh với tiêu chuẩn trọn lành mà Đức Chúa Trời đòi hỏi, chẳng khác nào ngọn đèn cầy (nến) đem so sánh với ánh sáng Mặt Trời. Người Việt cần đón nhận chân lý của Chúa để bù đắp cho sự thiếu hụt của mình.

Người Việt biết nguyên tắc “Thiện ác đáo đầu chung hữu báo” nhưng không biết căn nguyên của mọi nỗi đau khổ bất hạnh trong cuộc đời là do tội lỗi của loài người xây lưng phản nghịch lại với Đức Chúa Trời. Người Việt trước hết cần được Chúa tha tội.

Người Việt biết mình cần được cứu rỗi và đã khổ công đi tìm sự cứu rỗi, nhưng chưa biết con đường cứu rỗi duy nhất là chương trình do Đức Chúa Trời vạch sẵn đã được thực hiện bởi con Ngài là Đức Chúa Giê-xu. Người Việt cần đặt lòng tin nơi sự toàn năng, toàn tri, toàn thiện, toàn mỹ của một Đức Chúa Trời chân thật. Nhiều niềm tin của người Việt về Ông Trời rất gần gũi với Thánh Kinh nhưng vẫn chưa đầy đủ.

Một số người do không biết Thánh Kinh nên cứ tưởng Ông Trời là hình ảnh của Ngọc Hoàng Thượng Đế theo trí tưởng tượng của người Trung Hoa. Thậm chí có người còn ngây thơ tin chuyện Tề Thiên Đại Thánh là thật, và theo đó Ngọc Hoàng Thượng Đế cũng phải chịu thua Tôn Ngộ Không.

Chính vì thế mà người Việt chúng ta cần có sự mặc khải đặc biệt, đúng đắn, trực tiếp từ Đức Chúa Trời. Sự mặc khải đặc biệt này chỉ có thể tìm được trong Thánh Kinh và qua Chúa Cứu Thế Giê-xu.

Đức Chúa Giê-xu chính là hiện thân của “Ông Trời” giáng thế.

Có rất nhiều lý do để chúng ta tin Chúa Giê-xu chính là “Ông Trời” giáng thế để cứu vớt nhân loại nói chung và người Việt chúng ta nói riêng.

Các Chứng Cớ

1. Chính Chúa Giê-xu tuyên bố Ngài là con Đức Chúa Trời.

Chúa Giê-xu phán: “Ta là con đường, chân lý và sự sống: Không ai đến với Cha mà không qua Ta” (Giăng 14:6)

Ngài khẳng định: “Sự sống đời đời là đây này: Họ nhận biế Cha, là Đức Chúa Trời có một và thật, và nhận biết Chúa Giê-xu Christ là Đấng đã sai đến” (Giăng 17:3).

Ngài còn phán: “Ai đã thấy Ta, tức là đã thấy Cha” (Giăng 14:9). Rồi Ngài phán tỏ tường: “Ta với Cha là một” (Giăng 10:30).

Một người tự xưng mình là Ông Trời giáng thế thì ta chỉ đưa đến kết luận (1) đó là người điên, (2) đó là người lừa dối, hoặc (3) đó là người nói thật. Cuộc đời và ảnh hưởng của Chúa Giê-xu chứng tỏ Ngài không phải là người điên. Ngài không đến để lừa dối và Ngài luôn nói thật.

Chúng ta chỉ có thể khước từ hoàn toàn hoặc chấp nhận hoàn toàn lời tuyên xưng của Ngài. Một Đức Chúa Trời thành người thì người đó phải sống, phải nói, phải làm được việc mà xưa nay chỉ “Ông Trời” mới làm được mà thôi.

Đem áp dụng tiêu chuẩn này vào Chúa Giê-xu, chúng ta có thể đi đến kết luận rằng chính Ngài là con Trời giáng thế như Ngài đã tuyên xưng. Chính vì lời tuyên bố độc đáo như vậy mà xưa nay chỉ có “Ông Trời” mới làm được mà thôi.

Đem áp dụng tiêu chuẩn này vào Chúa Giê-xu, chúng ta có thể đi đến kết luận rằng chính con Trời giáng thế như Ngài đã tuyên xưng. Vì thế lời tuyên bố độc đáo như vậy mà giới lãnh đạo tôn giáo Do Thái bấy giờ đã cho Ngài là phạm thượng và quyết định xử tử Ngài. Dù đối diện với cái chết, Chúa Giê-xu vẫn không thay đổi lập trường và những lời tuyên xưng của Ngài. Chúa Giê-xu đã chết và sống lại với những lời tuyên bố thẳng thắn của Ngài.

2. Chúa Giê-xu làm những việc phi thường mà chỉ có Ông Trời mới có khả năng làm.

Để chứng minh cho lời tuyên xưng Ngài là Con Đức Chúa Trời, Chúa Giê-xu đã làm nhiều việc lạ lành mà chỉ có Ông Trời mới làm được mà thôi.

Ngài có quyền trên sự sống loài người.

Ngài chữa lành mọi bệnh tật, khiến người mù được thấy, người điếc được nghe, người phung được sạch, người què kẻ bại được đi, thậm chí Ngài khiến kẻ chết sống lại.

Ngài có quyền đuổi ma quỷ.

Ma quỷ biết Chúa Giê-xu và run sợ trước uy danh của Ngài. Khi Ngài phán, ma quỷ liền vâng lệnh ra khỏi người bị quỷ ám. Ngài chiến thắng mọi cám dỗ của ma quỷ.

Ngài có quyền trên thiên nhiên.

Ngài hóa nước thành rượu. Ngài đi bộ trên mặt biển. Ngài phán một lời thì cơn bão biển yên lặng như tờ. Ngài hóa 5 cái bánh và 2 con cá cho 5000 người ăn dư dật. Ngài chỉ dẫn các môn đồ đánh được những mẻ lưới đầy cá.

Ngài có lòng thương xót quảng đại.

Ngài tha thứ cho những người tội lỗi và khuyên họ đừng tái phạm. Ngài sẵn sàng lắng nghe, tiếp xúc với mọi hạng người. Ngài yêu thương, bồng ẵm là ban phước cho các trẻ thơ. Ngài động lòng thương xót khi thấy các đoàn dân đông như chiên không có người chăn. Ngài không từ chối một ai tìm đến với Ngài.

Ngài tuyên bố tha tội và chấp nhận sự thờ phượng của nhiều người.

Đây là hành động của một Đức Chúa Trời sống giữa thế gian.

Sứ đồ Giăng quả quyết khi viết sách Phúc Âm Giăng: “Đức Chúa Giê-xu đã làm nhiều phép lạ khác nữa trước mặt môn đồ Ngài, mà không được chép trong sách này. Nhưng những việc này được chép ra để các ngươi tin rằng Đức Chúa Giê-xu là Đấng Christ. Con Đức Chúa Trời và để khi tin thì các ngươi nhờ danh Ngài mà được sống” (Giăng 20: 30-31).

3. Chúa Giê-xu nói những lời mà chỉ Ông Trời mới có đủ thẩm quyền nói được.

Ngài phán dạy về mối quan hệ của con người. “Các ngươi có nghe dạy rằng. Hãy yêu thương người lân cận và ghét kẻ nghịch thù. Nhưng ta nói cùng các ngươi: Hãy yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi các ngươi. Như thế, các ngươi mới trở lên con của Cha các ngươi ở trên trời được, vì Ngài khiến mặt trời mọc lên cho kẻ ác và người thiện, Ngài ban mưa xuống cho người công bình lẫn người bất chính.” (Ma-thi-ơ 5: 43-45).

Ngài dạy về thái độ nên có với Đức Chúa Trời. “Đức Chúa Trời là Thần Linh nên ai thờ phượng Ngài phải thờ phượng bằng tâm linh và bằng sự chân thật”. (Giăng 4:24).

Đức Khổng Tử khuyên dạy: “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân”, nghĩa là điều gì mình không muốn người ta làm cho mình thì đừng làm điều đó cho họ. Còn Chúa Giê-xu thì dạy chúng ta hành động cách tích cực hơn.

“Vậy trong mọi sự, hễ điều chi mà các ngươi muốn người ta làm cho mình thì hãy làm điều đó cho họ (Ma-thi-ơ 7:12).

Chúa Giê-xu quả quyết: “Trời đất này sẽ qua đi, nhưng lời ta nói sẽ không qua đâu” (Ma-thi-ơ 24:35). Chắc chắn không một phàm nhân nào dám nói câu này/

Chúa Giê-xu còn tuyên bố Ngài là ánh sáng của thế gian, là bánh sự sống, là nước hằng sống, là người chăn hiền lành vì chiên phó sự sống mình. Ngài dạy những kẻ theo Ngài phải trở nên trọn vẹn như cha ở trên trời là trọn vẹn. Ngài truyền cho những kẻ theo Ngài phải sống có ích như muối của đất, như ánh sáng của tehes gian, phải thực hành điều răn: Kính Chúa, yêu người.

Không một giáo chủ nào có khả năng giải đáp rõ về thiên đàng, hỏa ngục, thiên sứ, ma quỷ, đời sau, sự phán xét, sự sống vĩnh cửu và mọi nan đề khác như Chúa Giê-xu đã dạy. Ngài dạy có thẩm quyền và rõ ràng, không ai có thể bắt bẻ được. Không cần ai nói trước. Ngài vẫn biết rõ hết tên tuổi, tâm trạng thân phận từng người. Chúa Giê-xu đang biết rõ bạn và tôi. Ngài là Đấng Toàn Tri, Toàn Hảo và Toàn Năng.

4. Chúa Giê-xu không bị giới hạn bởi không gian và thời gian.

Người theo Phật Giáo, Khổng Giáo và Lão Giáo tự hào rằng giáo chủ của họ ra đời trước Chúa Giê-xu năm sáu trăm năm. Người Do Thái hãnh diện về tổ phụ của họ là Áp-ra-ham đã ra đời trước Chúa khoảng 2000 năm, nhưng Chúa Giê-xu đã tuyên bố rằng: “Trước khi có Áp-ra-ham, đã có Ta” (Giăng 5: 58) nghĩa là Ngài là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.

Sứ đồ Giăng đã xác chứng: “Ban đầu có Ngôi Lời (Chúa Giê-xu). Ngôi lời ở cùng Đức Chúa Trời và Ngôi lời là Đức Chúa Trời. Từ ban đầu Ngài ở cùng Đức Chúa Trời.  Mọi vật do Ngài tạo nên, chẳng vật chi đã được dựng nên mà không bởi Ngài (Giăng 1: 1-3).

Ít nhất có ba lần Thánh Kinh ghi lại tiếng phán từ trời phát ra giữa lúc nhiều người nghe thấy, nói rằng “Này là con yêu dấu của Ta, đẹp lòng Ta hoàn toàn, hãy nghe lời Con đó.

Trước khi về Trời. Chúa Giê-xu truyền lệnh cho các môn đồ: “Tất cả uy quyền trên trời và dưới đất đã giao cho Ta. Vậy hãy đi làm cho mọi dân tộc trở thành môn đồ Ta: hãy nhân danh Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh mà làm phép báp-têm cho họ và dạy họ giữ tất cả những điều Ta đã truyền cho các ngươi. Và này, Ta hằng ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế (Ma-thi-ơ 28: 19-20).

Hiện nay, Ngài đang ở với chúng ra trong thân vị của Đức Thánh Linh. Thánh Kinh quả quyết “ Đức Chúa Giê-xu Christ hôm qua, ngày nay và cho đến đời đời không hề thay đổi”. (Hê-bơ-rơ 13:8)

5.  Nhiều nhân chứng đang tin xác tín Chúa Giê-xu là con Đức Chúa Trời.

Có nhiều nhân chứng đáng tin sống trước Chúa, đương thời Chúa và sau Chúa xác tín Chúa Giê-xu là con Đức Chúa Trời giáng thế.

Các tiên tri làm chứng

Tiên tri là những phát ngôn viên của Đức Chúa Trời. Tiên tri Ê-sai báo trước về việc Chúa Cứu Thế giáng sinh bởi nữ đồng trinh. Ngài được xưng là Đấng Mưu Luận, là Đấng Lạ Lùng, là Đức Chúa Trời quyền nằng, là Cha Đời Đời, là Chúa Bình An. Ngài cũng được xưng là Đấng Em-ma-nu-ên, nghĩa là Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta.

Thiên sứ làm chứng

Thiên sứ là những sứ giả của Đức Chúa Trời thi hành mạng lệnh của Ngài. Khi báo tin cho nữ đồng trinh Ma-ri, thiên sứ nói: “Hỡi Ma-ri, đừng sợ, vì ngươi đã được ơn trước mặt Đức Chúa Trời. Này ngươi sẽ chịu thai và sinh một con trai, đặt tên là Giê-xu. Con Trai ấy sẽ nên tôn trọng, được xưng là con của Đấng rất cao…” (Lu-ca 1: 30-32).

Giăng Báp-tít (John the Baptist) làm chứng

Giăng Báp-tít là người được Đức Chúa Trời sai đến để dọn đường cho Chúa Cứu Thế. Giăng đã giới thiệu về Chúa Giê-xu. “Qua ngày sau, Giăng thấy Đức Chúa Jêsus đến cùng mình, thì nói rằng: Kìa, Chiên con của Đức Chúa Trời, là Đấng cất tội lỗi thế gian đi. Ấy về Đấng đó mà ta đã nói: Có một người đến sau ta, trổi hơn ta, vì người vốn trước ta. Về phần ta, ta vốn chẳng biết Ngài; nhưng ta đã đến làm phép báp-tem bằng nước, để Ngài được tỏ ra cho dân Y-sơ-ra-ên. Giăng lại còn làm chứng nầy nữa: Ta đã thấy Thánh Linh từ trời giáng xuống như chim bò câu, đậu trên mình Ngài. Về phần ta, ta vốn không biết Ngài; nhưng Đấng sai ta làm phép báp-tem bằng nước có phán cùng ta rằng: Đấng mà ngươi sẽ thấy Thánh Linh ngự xuống đậu lên trên, ấy là Đấng làm phép báp-tem bằng Đức Thánh Linh. Ta đã thấy nên ta làm chứng rằng: Ấy chính Ngài là Con Đức Chúa Trời.

Sự chết đền tội của Chúa Giê-xu xác nhận Ngài là Chúa Cứu Thế

Chúa Giê-xu giáng thế không phải để dạy triết lý về sự cứu rỗi hoặc chỉ cho người ta con đường tu luyện để tự cứu rỗi. Ngài giáng thế là để thực hiện sự cứu rỗi bằng cách chịu chết đền tội cho cả loài người. Ngài đã chọn con đường thập tự giá là con đường khiêm nhường thay cho kiêu ngạo, vâng phục ý Trời thay cho ý riêng, vị tha thay cho vi kỷ, thuận phục thay cho phản nghịch, cậy sức Chúa thay cho cậy sức riêng.

Con đường thập tự giá là dung khí của tinh thần bất dao động, của lòng tin sắt đá với chính nghĩa, của niềm tin tất thắng với sự công chính. Vì thương xót loài người, Chúa Giê-xu kiên quyết đến với thập tự giá với tinh thần dũng cảm, hy sinh. Ngài biết chắc: “Khi Ta được treo lên khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người đến cùng Ta”. Chúa Giê-xu phải chết công khai, treo thân trên thập tự giá giữa khoảng Trời và đất để giải hòa mối quan hệ vốn đứt đoạn giữa Trời và người. Chúa Giê-xu chịu chết đổ huyết để thỏa mãn đòi hỏi của luật pháp, theo đó “Không đổ huyết thì không có sự tha tội” (Hê-bơ-rơ 9:22). Chúa Giê-xu chịu hy sinh để mở cho nhân loại con đường sống, nhờ đó nhân loại có quyền trực tiếp đến với Đức Chúa Trời. Trên thập tự giá, Ngài cầu nguyện cho những kẻ giết Ngài: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì”, rồi Ngài tuyên bố “Mọi sự đã được trọn”. Sứ mạng của Ngài đã được hoàn tất. Ngàu đã trả xong nợ tội cho tất cả chúng ta.

Người đội trưởng La Mã chứng kiến cái chết hùng tráng, lạ lùng của Ngài đã thốt lên: “Quả thật, người này là Con Đức Chúa Trời”

Sự sống lại khải hoàn của Chúa Giê-xu chứng minh Ngài đúng là con Đức Chúa Trời như Ngài tuyên bố.

Con đường thập tự giá hy sinh đã mở ra sự sống lại vinh hiển, cao trọng. Sự khiêm nhường được tôn cao, mão gai đau khổ đã nở hoa thành mão triều thiên, sự chết dẫn đến sự sống, hạt giống đã nảy mầm xanh. Sau ba ngày nằm trong phần mộ, Đức Chúa Giê-xu đã sống lại. Ngôi mộ trống, vải niệm còn nguyên, những lần hiện ra của Chúa, đời sống thay đổi lạ lùng của các môn đồ, những lời làm chứng quả quyết của họ, sự nhóm họp ngày Chúa Nhật thay cho ngày Sa-bát (Thứ Bảy), sự ra đời của Cơ Đốc Giáo…là những bằng chứng không thể chối cãi về sự phục sinh của Chúa.

Sự sống lại của Chúa Giê-xu đã chứng minh cho chân lý: Tình thương thắng hận thù, thiện thắng ác, sự sống thắng gian dối, ánh sáng thắng bóng tối, công lý thắng bất công. Đức Chúa Trời thắng Quỷ Vương. Đức Chúa Trời chấp nhận giá chuộc con Ngài đã trả thay cho loài người. Chúa Cứu Thế Giê-xu hiện ra đã làm ứng nghiệm mọi lời tuyên bố của Ngài.

Lịch sử nhân loại chứng minh Chúa Giê-xu là Đấng Cứu Thế.

Trải qua 2000 năm, dân Do Thái bị tản lạc khắp thế giới, nhưng vẫn tồn tại và hồi hương lập quốc, nhân dân khắp năm châu có Cơ Đốc Giáo, có lễ Giáng Sinh và lễ Phục Sinh, có ngày Chúa Nhật (Chủ Nhật), có niên hiệu Dương Lịch Trước Chúa và Sau Chúa (SC). Hàng năm có hàng triệu người hành hương thánh địa, có di tích ngôi mộ trống có một phần ba dân số thế giới xưng mình là Cơ Đốc Nhân (Kitô hữu), có nhà thờ, bệnh viện, có các trường Đại Học, các Đại Chủng Viện, có Hội Hồng Thập Tự và các tổ chức bác ái từ thiện, có nền văn minh văn hóa hiện đại, có khoa học kỹ thuật tiên tiến, đời sống phụ nữ và trẻ em được nâng cao, nhân quyền được tôn trọng…

Tất cả những thực tế đã mặc nhiên chứng minh rằng Chúa Giê-xu là Đấng Cứu Nhân Độ Thế và thế giới không được như ngày nay nếu không có Ngài. Rồi còn bao nhiêu cuộc đời được đổi mới, kinh nghiệm sự ngọt ngào vui tươi, sống động khi gặp gỡ Chúa Cứu Thế Giê-xu.

Những bằng chứng thực tế hùng hồn nói trên có làm cho bạn suy nghĩ ít nhiều về Chúa Giê-xu hay không? Chúa Giê-xu là ai và Ngài đã làm gì cho đời sống của bạn và tôi?

Chỉ cần bình tĩnh sáng suốt suy nghĩ một chút cũng đủ để chúng ta tin Ngài, chạy đến với Ngài, cảm tại Ngài và cảm kích, tôn thờ Ngài.

Con Đường Sống

Người Việt Nam chúng ta có truyền thống thờ Trời. Các tôn giáo và tín ngưỡng đã góp phần tốt đẹp cho truyền thống này. Đây cũng là nhờ ơn Đức Chúa Trời dọn đường để chúng ta đón nhận Đạo Trời do Đức Chúa Trời đem đến. Rất nhiều người đã đón nhận Đạo Trời và đang kinh nghiệm sự sống, bình an cho tâm hồn. Còn bạn thì sao? Có lẽ bạn đã có tôn giáo và không dễ để cho bạn thực hiện cuộc cách mạng tâm linh, khi bạn quyết định từ giã con đường cũ và bước vào con đường mới. Hơn nữa con đường theo Chúa là con đường thập tự giá, là con đường hẹp. Có thể bạn sẽ trả giá khi bị người thân hiểu nhầm hoặc bạn bè chê bai. Tuy nhiên con đường theo Chúa là con đường dẫn đến sự bình an và sự sống vĩnh cửu. Giá mà bạn phải trả không thể so sánh với phước hạnh mà bạn nhận được.

Đây là một vấn đề sống chết cần quyết định ngay, không thể chần chừ. Có ai biết lúc nào mình sẽ về chầu Trời? Mong sao bạn chọn ngay cho mình con đường đẹp lòng Trời. Mong bạn mau xác định lại niềm tin của mình cho hợp ý Trời.

Bạn đang là người tin theo Khổng Giáo chăng? Hãy nhớ lại lời của Khổng Tử: “Hoạch tội ư Thiên, vô sở đảo giả”, nghĩa là người phạm tội với Trời thì không thể cầu đạo ở đâu khác được. Khổng giáo nhấn mạnh đến Nhân Đạo nhưng không rành Thiên Đạo. Tin thờ Đức Chúa Trời như lời dạy của Chúa Giê-xu chắc chắn là hợp với tôn chỉ của các bậc thánh hiền.

Bạn đang thờ cúng ông bà chăng? Đạo Trời giúp bạn làm tròn bổn phận đối với Trời và với người một cách quân bình. Bạn có biết hiếu kính cha mẹ vừa là mạng lệnh vừa là một lời hứa của Đức Chúa Trời chăng? “Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi hầu cho ngươi được phước và sống lâu trên đất.” (Ê-phê-sô 6: 2-3).

Bạn đang là đạo hữu Phật Giáo chăng? Phật giáo là tôn giáo chính của nhiều nước Á Đông. Triết lý Phật Giáo rất cao siêu, ít người đạt đến mục đích Giác Ngộ. Vì thế các phật tử dù khổ công tu luyện vẫn không biết chắc có được giải thoát chăng. Chúng tôi không có ý muốn tranh luận về triết lý tôn giáo, chỉ xin đưa ra đây vài nét khác nhau giữa triết lý Phật Giáo và Tin Mừng (Tin Lành) để bạn so sánh và lựa chọn.

  • Phật giáo chủ trương tự giác, cậy sức mình tu luyện là chính. Tin Lành chủ trương hoàn toàn tin cậy ân huệ và sức lực của Chúa.
  • Phật Giáo dạy các đạo hữu phải tạo ra công đức đền bù cho tội lỗi và tự giải thoát. Tin Lành dạy người có lòng lấy đức tin tiếp nhận ơn cứu rỗi như món quà quý báu Chúa đã sắm sẵn và tặng không cho chúng ta hưởng.
  • Mục đích của Phật Giáo là đến cõi Niết Bàn, tức là trạng thái không còn bản thân nữa, tịch diệt tham dục, không còn sinh tử luân hồi. Mục đích của người theo Chúa là được Chúa tha tội, được ơn cứu rỗi, bắt đầu một đời sống có ý nghĩa ngay trong cuộc sống hiện tại và tiếp tục vào cõi vĩnh hằng. Hy vọng của người theo Chúa là sau khi lìa đời được vui hưởng Thiên Đàng, sống đời đời ở một nơi có thật là nhà Cha, là thành Thánh vinh hiển, phước hạnh, là quê hương trên Trời. Người theo Chúa rất yên tâm và thỏa lòng về sự cứu rỗi Chúa ban.

Bạn có đang thỏa lòng với con đường tu hành của bạn không? Bạn có biết chắc mình sẽ được giải thoát không?

Có tôn giáo vẫn chưa đử, bạn cần phải biết chắc chắn là bạn sẽ được cứu rỗi linh hồn.

Phần lớn người Việt đều đã có tôn giáo, Nhưng có tôn giáo vẫn chưa đủ. Có nhiều triết lý chỉ có giá trị trong đời này mà không có giá trị trong đời sau.

Điều ưu tiên hàng đầu của chúng ta không phải theo một triết lý tôn giáo để trấn an lương tâm, mà phải có được một Đấng đảm bảo cứu ra thoát vòng tội lỗi và sự chết đời đời. Chúng ta cần thoát khỏi Hỏa Ngục và vui hưởng Thiên Đàng.

Hỏa ngục có thật cũng như Thiên Đàng có thật. Hỏa Ngục là nơi cả xác lẫn hồn đều đau đớn, khốn khổ. Trong Hỏa Ngục phản ứng của con người là khóc lóc, than vãn và nghiến răng. Hỏa ngục là nơi tối tăm, là vực sâu không đáy. Ở hỏa ngục không có hy vọng ra khỏi, không có nghỉ ngơi, không có thời hạn chấm dứt. Chỉ có những người tin cậy và vâng lời Chúa Cứu Thế Giê-xu mới vượt khỏi sự chết mà đến với sự sống, thoát khỏi Hỏa Ngục mà đến Thiên Đàng.

Các giáo chủ tôn giáo đã có nhiều cố gắng rất tốt, khuyên dạy chúng ta làm lành lánh dữ, nhưng mọi nỗ lực của loài người vẫn không đạt được tiêu chuẩn công bình, trọn vẹn của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời chỉ chấp nhận giá trả của Chúa Giê-xu đền tội cho nhân loại mà thôi. Khi về chầu Trời thì không giáo chủ nào bên vực, khẩn đảo chúng ta được. Chính bản thân họ là người, cũng phải chầu Trời để chịu phán xét. Lúc đó chỉ có Chúa Giê-xu là Con Trời, hiện đang ngồi bên hữu Đức Chúa Trời cầu thay cho chúng ta mà thôi.

Vậy thì bạn hãy điều chỉnh đức tin để trở lại tôn thờ Đức Chúa Trời đúng như Chúa Cứu Thế Giê-xu vạch đường chỉ lối, chẳng những là việc làm hợp tình hợp lý mà còn là con đường sống duy nhất hôm nay.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.