Một chiếc xe buýt bùng chạy qua… ngoại trừ tài xế và mấy anh lính hộ tống, không một ai trên xe biết mình sẽ đi về đâu. Họ ngồi đó mà không thấy được ánh sáng và các sinh hoạt đang diễn ra bên ngoài. Họ chỉ biết hiện tại mình còn sống, còn ý thức, cảm xúc… nhưng tương lai thì nằm ngoài tầm tay… vì họ là những tù nhân!
Không ai muốn mình ngồi trên xe đó cả. Vâng! Đúng thế, ngồi trên một chiếc xe như vậy thật đáng sợ vô cùng! Tôi nghĩ đến câu nói: “Đời người là một chuyến du hành”. Nhìn lại đời mình, tôi cảm thấy lo lắng vì trong chuyến du hành đó, thực sự tôi không biết chiếc xe cuộc đời mình sẽ đi về đâu?! ‘Bến đỗ’ là bến nào? Đó có phải là nơi tôi muốn đến hay không? Không có lời giải đáp. Dù tôi tránh né hoặc không quan tâm đến chuyện đời sau, chỉ mải lo cuộc sống hiện tại, nhưng tôi biết -và mọi người đều biết- một định luật chắc chắn không thể tránh khỏi: đó là cái CHẾT.Tôi sẽ phải chết, bất cứ lúc nào, tôi không biết. Không thể tự trấn an bằng ý tưởng “chết là hết!” được- ở đây. Những ngày cúng giỗ, lễ truy điệu, tưởng niệm, nghi thức lễ tang… đã xác nhận rằng mọi người đều hiểu “chết không phải là hết”. Một cây nhang cắm ở bàn thờ hoặc ở một bàn thiên trước ngõ… mặc nhiên xác nhận rằng dù ai tuyên bố thế nào đi nữa thì tận thâm tâm, tất cả chúng ta đều nghĩ và tin rằng sau cái chết phải có một ‘cái gì đó’ tiếp nối. ‘Cái gì đó’ là một ẩn số, là một thách thức cho tâm trí con người trải bao thế hệ. Bởi vậy, dù đang sống trong điều kiện tương đối nhiều thuận lợi, dù thân thể vẫn mạnh khỏe, tôi vẫn ý thức rằng con người đang ngồi trên chiếc xe bít bùng của cuộc đời! Nhận thức nầy khuấy động lòng tôi không thôi…
Lâu nay tôi vẫn sống cuộc sống bình thường như mọi người: còn nhỏ thì lo học hành, trưởng thành ra đời thì lo tích cực làm ăn, cố gắng sao cho hiện tại được đầy đủ và còn tích luỹ cho tương lai nữa. Tôi cho rằng hạnh phúc chỉ có được khi vật chất thật đầy đủ. Tôi đặt kế hoạch cho một năm, cho năm, mười năm sau nữa khi các con tôi khôn lớn, cho tương lai lúc về già… Do đó, tôi tìm mọi cách để có được nhiều tiền, nhiều phương tiện hiện đại cho cuộc sống được ‘thoải mái’. Khi khó khăn, tôi ra sức xoay sở; lúc thuận lợi tôi càng cố gắng nhiều hơn, mong có thêm nhiều tiền tích luỹ cho tương lai. “Có tiền mua tiên cũng được mà!”
Cuộc đời tôi cứ thế trôi đi, dần dần tôi nhận ra rằng tiền bạc có thể mua được nhiều thứ nhưng đồng thời cũng có rất nhiều thứ mà tiền bạc không bao giờ mua được.
Điều trước tiên tôi nhận ra là tiền bạc không thể mua được sự sống.
Khi dự tang lễ một người nằm xuống đang độ thanh xuân, tôi thấy mình như người khờ dại vì mải lo tính toan, tích luỹ lâu dài mà quên rằng liệu mình sẽ sống hết năm nay không?! Nếu tôi chết đi, của cải mà tôi lao nhọc dành dụm đó sẽ thuộc về ai? Liệu con cái tôi có gìn giữ, bảo toàn hay sẽ hoang phí khiến bao công khó của tôi chỉ như công Dã Tràng?! Và chẳng lẽ cả đời tôi sống chỉ lo tích trữ tiền bạc để rồi chết hay sao???
Điều thứ hai tôi khám phá ra là tiền bạc không thể mua được sự thoả lòng.
Thành thật mà nói, tôi chưa bao giờ thoả mãn với những điều mình đang có. Tôi luôn cảm thấy mình chưa bằng ai, luôn thấy mình còn thua kém nhiều người lắm. Được một, tôi muốn có hai, luôn luôn muốn được nhiều hơn nên suốt đời tôi chỉ đeo đuổi các mục tiêu vật chất, sự nghiệp, công danh là những thứ vô cùng tạm bợ, nay còn mai mất; đây cũng là những thứ thường đem lại nhiều buồn lo, đau khổ trong cuộc sống. Tôi từng thấy nhiều gia đình tan nát chỉ vì tiền bạc; nhiều người đánh mất cả danh dự chỉ vì lợi lộc, tham vọng, sắc dục; biết bao người giàu có, thừa mứa vật chất nhưng vẫn sống trong vô vị, chán chường! Chẳng lẽ tôi sống ở đời chỉ để đeo đuổi một mục đích tầm thường, phù du như vậy?! Và để rồi… chết?
Đã đến lúc tôi thấy cần đặt lại vấn đề, phải chọn cho đời mình một hướng đi đúng đắn với ước mong cuộc sống trên đất của tôi có một ý nghĩa đích thực, để rồi khi tôi nhắm mắt tắt hơi, ‘bến đỗ’ đời tôi sẽ đúng là nơi tôi hằng mong mỏi được đến.
Tôi bắt đầu quan tâm đến tôn giáo vì tôi tin rằng tôn giáo mới giải quyết được những nan đề cho con người, đặc biệt trong lãnh vực tinh thần, tâm linh.
“Đường nào rồi cũng dẫn đến La Mã!” Đạo nào cũng khuyên dạy con người làm lành tránh dữ mà thôi. Với quan điểm đó, tôi đã tìm hiểu một số tôn giáo và nhận thấy rằng hầu hết các tôn giáo dù xuất phát từ những vùng địa lý và vào những thời điểm khác nhau nhưng những nét căn bản lại gần như giống nhau nên tôi – cũng như nhiều người khác – kết luận: “Đạo nào cũng là Đạo.”
GIÁO CHỦ ĐÁNG KÍNH
Nói đến tôn giáo, người đầu tiên tôi nghĩ đến là người sáng lập, là vị giáo chủ. Phần lớn các vị đều là những người đáng kính phục; vị nào cũng có một tiểu sử đặc biệt khác người. Dù sống trong các thời đại khác nhau, nơi chốn khác nhau, nhưng ai nấy đều có một điểm chung nổi bật, đó là thông minh, tài trí hơn người, là những bậc vĩ nhân xuất chúng. Hầu hết các vị ấy đều dày công tu luyện và sau một thời gian nghiên cứu, suy ngẫm, thuyết giảng, huấn luyện môn sinh, khi đã nhắm mắt tắt hơi, ngoài di hài hoặc xá lợi…, các vị ấy còn để lại cho đời sau những giáo huấn và gương tu luyện của mình. Đọc tiểu sử các giáo chủ, trong tôi dậy lên một niềm thán phục vô biên về việc xuất thế dấn thân của họ và tôi nghĩ, ước gì Trời cho các vị ấy được sống mãi đến ngày nay để tôi được gặp mặt tỏ lòng ngưỡng mộ thì sung sướng lắm thay.
THỬ TỰ CỨU MÌNH
“Hãy tự cứu mình trước khi Trời cứu.” Tôi hoàn toàn đồng ý với phương châm nầy. Trong cuộc sống thường ngày, tôi phải chật vật, tận lực để kiếm miếng cơm manh áo, không thể nằm chờ sung rụng. Tôi lý luận, trong lãnh vực tâm linh cũng vay, để được cứu rỗi linh hồn, cần phải nỗ lực bản thân.
Nhìn chung các tôn giáo mà tôi biết, có nhiều khác biệt về nguồn gốc, hình thức, lễ nghi nhưng những điểm căn bản thì giống nhau, gần như đều có cùng một mẫu số chung là khuyên dạy con người làm lành tránh dữ và tu luyện để tự cứu. Tôi chấp nhận mọi tôn giáo vì cho rằng Đạo nào cũng là Đạo, miễn ‘có đạo’ là tốt rồi; mỗi người đi một con đường nhưng cuối cùng cũng về đích chung thôi.
Tu thân tích đức, ăn hiền ở lành, làm phước bố thí… là những phương cách căn bản mà các tôn giáo đề ra cho con người tự cứu mình. Cần phải tu trì và tích luỹ công đức, công đức càng dày thì càng hy vọng gần với sự cứu rỗi. Vì vậy, dù vẫn mưu sinh bình thường nhưng tôi bắt đầu quan tâm đến cách sống của mình hơn, tôi cố gắng ăn ở ngay lành trước mặt mọi người, dành ra thì giờ tham gia công tác từ thiện, góp công, góp của nhằm tạo công đức cho mai sau. Điều nầy thật khó vì tôi vẫn thường xuyên phạm sai lầm, nhưng tôi tin là trong tôi có một năng lực lớn, chỉ tại tôi chưa biết khai thác nguồn năng lực đó như các vị giáo chủ thôi. Tôi cũng tự cổ vũ bản thân: sai thì sửa, cứ cố gắng không ngừng, với quyết tâm, nỗ lực ắt sẽ thành công. Đối với tôi, điều quan trọng không phải là theo Đạo nào nhưng tôi đã tích luỹ công đức được bao nhiêu vì nền tảng để được cứu rỗi của hầu hết các tôn giáo là công đức bản thân. Đạo nào cũng là Đạo, đủ công đức cuối cùng cũng sẽ gặp nhau. Tuy nhiên có một điều khiến tôi băn khoăn là bao nhiêu công đức mới đủ? Và điều tốt tôi lam có đúng theo tiêu chuẩn được đánh giá là tốt hay chưa? Dù sao tôi cũng cứ cố gắng.
Một tín hữu Tin Lành giới thiệu với tôi câu Kinh Thánh nầy khiến tôi vừa bất bình, vừa xốn xang trong lòng: “Việc lành của loài người chỉ như chiếc áo bẩn trước mặt Thượng Đế mà thôi”. Tôi bất bình vì dù ít dù nhiều thì việc đạo đức tốt lành của con người cũng có giá trị chứ!
Thế rồi một hôm tôi gặp anh bạn đã tốt nghiệp Cử nhân Anh văn. Tôi nói: “Anh sang Mỹ hẳn dễ dàng, thuận lợi lắm vì đã giỏi tiếng Anh rồi”. Nhưng thật bất ngờ, anh trả lời nếu so với một em học sinh tiểu học, về đàm thoại hoặc phát âm hoặc nghe xướng ngôn viên truyền thanh, truyền hình đọc các bản tin thì anh vẫn đã thua xa, huống chi nếu phải đứng trước một vị giáo sư ngôn ngữ hoặc giáo sư văn chương người bản địa thì anh chẳng có gì đáng tự hào, dù ở Việt Nam anh có thể làm thầy! Và đó là sự thực.
Tôi chợt hiểu, giá trị của một sự việc phải được thẩm định căn cứ trên một tiêu chuẩn nào đó. Với tiêu chuẩn tiểu học, nếu học sinh tiểu học giải được phương trình bậc hai thì đó là thiên tài, là thần đồng, nhưng với tiêu chuẩn đại học, đó chỉ là một việc tầm thường không đáng nói tới.
Đối với tiêu chuẩn loài người, nếu tôi có nếp sống đạo đức, nhiều năm tu trì… có thể tôi là bậc cao trọng đáng kính, nhưng đặt bên cạnh tiêu chuẩn của Thượng Đế Chí Cao, Toàn Thánh Toàn Thiện thì liệu tôi có gì đáng để khoe khoang chăng? Ấy là chưa kể theo luật công bằng thường tình, nếu làm tốt được ghi công đức thì ngược lại, lúc sai phạm, tội lỗi thì phải phạt; va chỉ cần xét theo luật nầy thôi, tôi chợt thấy đáp số âm thê thảm của đời tôi, chẳng còn lại gì để tự hào với Thượng Đế cả!
Tôi nhớ đến câu chuyện trong sách Cổ Học Tinh Hoa. Có một người kia lấy hai cái hũ; hễ khi nào làm một việc tốt thì bỏ một hột đậu trắng vào hũ nầy, ngược lại khi làm một việc xấu thì bỏ một hột đậu đen vào hũ kia. Chẳng bao lâu sau, người ấy sững sờ vì hũ đậu đen đã đầy tới miệng, còn hũ đậu trắng chẳng được bao nhiêu!
Thành thực đánh giá việc làm của mình như người ấy thật đáng trân trọng, nhưng cũng chỉ mới đánh giá trên việc làm thấy được, ở mặt nổi mà thôi; muốn thẩm định đúng mức, thì phải xét xem động cơ nào thúc đẩy ta làm việc-gọi-là-tốt đó. Nếu tra xét kỹ càng những tư tưởng thầm kín cùng mục đích sâu xa việc-gọi-là-tốt ấy thì sẽ thế nào nhỉ?
Tôi chân thành nhìn lại đời mình, từ khi còn là một em bé, tôi đã có biết bao tư tưởng hay hành động tội lỗi như ích kỷ, tham lam, đố kỵ, dối trá, không vâng lời… “Nhân vô thập toàn”, tôi thường dùng kết luận như vậy để biện minh cho những tội lỗi, sai phạm của mình, đồng thời tôi cũng gắng sức sống tốt mong đạt mức toàn hảo trọn vẹn; thế nên tâm hồn hết sức căng thẳng vì tôi đang mâu thuẫn với chính mình. Mặc dù ngoài mặt tôi vẫn tỏ vẻ an nhiên tự tại nhưng tâm trạng tôi bất an. Lúc ấy, nếu có ai hỏi tôi: Bạn có chắc rằng sau khi qua đời linh hồn bạn được cứu rỗi, được siêu thoát không? Đương nhiên là tôi sẽ trả lời: Không biết! Chiếc xe cuộc đời đang tiến trên đường tìm nơi đỗ, nhưng tôi không biết ‘bến đỗ’ là ben nào!!! Tôi sẽ về đâu?
BƯỚC NGOẶT QUAN TRỌNG NHẤT
Trong nhiều năm, tôi cứ nỗ lực tu dưỡng, tích góp công đức, tưởng rằng mình đang tiến trên con đường cứu rỗi và sẽ đạt đến đích… cho đến một ngày kia, ngày đánh dấu bước ngoặt quan trọng nhất đời tôi: Sau một thời gian tìm hiểu Tin Lành: tôi đã gặp được Chúa Giê-xu. Và mọi quan điểm trước đây của tôi hoàn toàn đổ vỡ.
ĐẤNG ĐANG SỐNG
Điều lạ lùng đầu tiên tôi khám phá được là có một vị giáo chủ vẫn đang sống! Một giáo chủ không để lại hài cốt hoặc bất cứ chút gì của thể xác mình trong phần mộ, đó là Chúa Giê-xu. Thoạt đầu, lý trí tôi không thể nào tin được một người đã chết với những thương tích khủng khiếp từ đầu cho đến bàn chân trên thân thể, đã chôn, lại được canh giữ chặt chẽ mà ba ngày sau đó có thể sống lại ra khỏi mồ đi đây đó, ăn uống, gặp gỡ nhiều người. Tôi dành thì giờ tìm hiểu về cuộc đời, những lời nói, việc làm, cái chết và nhất là về sự sống lại của Chúa Giê-xu. Càng tìm hiểu, tôi càng ngạc nhiên vì hàng trăm chi tiết về sự giáng sinh làm người, cách thức, nơi chốn, xứ sở Ngài sinh ra… những việc kỳ diệu Ngài làm, những khổ nạn Ngài chịu và sự phục sinh của Ngài… đều đã được nhiều tiên tri báo trước từ nhiều thế kỷ trước. Và tôi phải thừa nhận đây là một sự kiện lịch sử vô tiền khoáng hậu mà chưa hề có sử gia nào nêu được dẫn chứng cụ thể để phản bác. Ngay cả những người chống đối đạo Chúa rất quyết liệt vẫn phải công nhận sự kiện sống lại của Ngài.
Tôi biết hầu hết các nước phát triển trên thế giới đều theo Cơ Đốc giáo. Với nền văn minh, sự tiến bộ không ngừng về khoa học kỹ thuật, của khoa khảo cổ… các khoa học gia đã cẩn thận tìm tòi, đào bới, nhưng không ai tìm ra bất kỳ bằng cớ nào chứng minh được rằng Chúa Giê-xu không sống lại. Ngược lại, càng tìm tòi thì càng khám phá sự chính xác của những điều Kinh Thánh đề cập đến. Chỉ cần tìm ra một sai lầm nhỏ, một chút giả ngụy nào đó cũng đủ khiến Cơ Đốc giáo sụp đổ hoàn toàn, vì nen tảng cho niềm tin của Cơ Đốc giáo chính là sự sống lại của Chúa Giê-xu.
Tôi đã vui mừng tiếp nhận Chúa Giê-xu trong một mùa Lễ Phục Sinh, vì tin rằng Chúa Giê-xu sống lại chứng tỏ Ngài là Thượng Đế làm người. Thượng Đế là Đấng cầm quyền trên sự sống, sự chết. Ngoài Thượng Đế thì nào ai có thể bẻ gãy chìa khoá của sự chết? Chúa Giê-xu chính là Đấng tôi đang cần, vì Ngài chiến thắng sự chết thì mới có thể ban sự sống cho những ai tin theo Ngài. Chúa Giê-xu phán:“Ta là sự sống lại và Nguồn Sống, người nào tin Ta dù chết rồi cũng sẽ sống. Người đang sống mà tin Ta sẽ được sống vĩnh viễn”. Chúa đang nói đến sự sống tâm linh. Tôi hoàn toàn tin cậy Ngài.
MÓN QUÀ KỲ DIỆU
Tôi đọc được những lời lạ lùng sau đây trong Kinh Thánh: “Đang khi chúng ta bó tay tuyệt vọng, Chúa Cứu Thế Giê-xu đã đến đúng lúc để chết thay cho chúng ta là người tội lỗi xấu xa. Vì Thượng Đế yêu thương nhân loại đến nỗi hy sinh Chúa Cứu Thế Giê-xu, để tất cả những ai tin nhận Ngài đều không bị hư vong nhưng được sự sống vĩnh cửu”.
Tôi không thể ngờ Thượng Đế-Ông Trời yêu tôi đến như vậy. Trong lúc tôi tuyệt vọng vì vô phương tự cứu thì Chúa Giê-xu đã đến để chết thay tội lỗi của tôi! Thượng Đế không đòi hỏi tôi phải làm một điều gì đó mà chỉ đòi hỏi tôi tin và nhận Ngài là Cứu Chúa thôi. Chỉ cần công nhận tôi là người có tội, tin Chúa Giê-xu đã chết thay cho tôi và bằng lòng tiếp nhận Chúa Giê-xu là tôi được cứu linh hồn và được sự sống vĩnh cửu như lời Ngài hứa mà Kinh Thánh ghi lại đó. Đơn giản vậy sao? Khi tôi đang phân vân thì câu chuyện ví sánh sau đây giúp tôi được sáng tỏ: Giả sử chủ nhân một ngôi nhà chọc trời thông báo rộng rãi cho mọi người rằng ông cho phép và hoan nghênh bất kỳ ai muốn phóng tầm mắt mình từ sân thượng toà nhà đó để tan hưởng toàn cảnh kỳ vĩ tuyệt đẹp không những hoàn toàn miễn phí mà người ấy còn được nhận một huy hiệu độc đáo rất giá trị của chủ nhân toà nhà nữa, nhưng với một điều kiện: mỗi người chỉ có ba mươi phút để lên tới sân thượng. Giả sử có thêm một thông báo: “Nếu muốn thì vào trong chiếc thang máy nầy, chỉ cần bấm nút thôi, không làm gì thêm cả, bạn sẽ đạt được ước mơ”. Những người chưa bao giờ biết đến thang máy sẽ cho rằng lời kêu gọi đó thật ngớ ngẩn, điên rồ, ai lại đặt lòng tin vào một cái hộp kín mít như vậy? Vô lý! Đáng nghi ngờ lắm! Tự mình không leo, không bước, làm sao có thể lên cao? Dù mạnh hay yếu, ai cũng có chút năng lực mà… v.v… và v.v… Vì vậy quyết định có vẻ hợp lý nhất là cố gắng hết sức mình, quyết tâm, bền lòng bền chí sẽ đạt được ước mơ. Nhiều người bắt đầu vào cuộc. Người nầy là vận động viên điền kinh, nhảy một lúc hai ba bậc thang; người kia còn trẻ, khoẻ nên chạy thay vì đi; người nọ yếu hơn, cứ kiên trì bước từng nấc thang… Rồi ba mươi phút trôi qua, kết quả thế nào? Phải chăng chỉ thấy những người đang mệt nhoài, thở dốc, gục ngã hay bỏ cuộc trên các bậc thang?
Trước kia, bản thân tôi đã cố gắng bởi sức mình để leo lên những nấc thang cứu rỗi. Tôi cũng tự hào vì đã đạt được một số thành tích đáng kể so với người khác: năm tầng, mười tầng… trăm tầng…, nhưng so với chuẩn mực toàn hảo tuyệt đối của Thiên Đàng, của Đức Chúa Trời thì cho đến khi tôi nhắm mắt tắt hơi, Thiên Đàng vẫn tít tắp diệu vợi!!!
Chúa Giê-xu đã đến thế gian, làm xong sự chuộc tội cho nhân loại trên cây thập tự – có thể tạm ví như chiếc thang máy kia, đã lắp đặt xong rồi. Con người tội lỗi bất toàn, bất năng, bất lực chỉ cần làm một việc duy nhất là tin nơi Ngài. Tin cậy và tiếp nhận Chúa Giê-xu giống như tin cậy để bước vào chiếc thang máy chứ không cần công sức nào của mình. Trong nháy mắt tôi đã đến sân thượng, tức là tin nhận Chúa Giê-xu thì Thiên Đàng và sự sống vĩnh cửu là quà tặng, là sự ban cho của Thượng Đế; một món quà vô kỳ diệu, không lời nào tả xiết. Tôi đã cúi đầu cảm tạ tình yêu của Thượng Đế và tiếp nhận Chúa Giê-xu.
CHÚA SỐNG TRONG TÔI
Trước đây nhờ giáo dục của gia đình và học đường, đồng thời ảnh hưởng những lời dạy của các tôn giáo, tôi đã phần nào phân biệt được đúng sai, lành dữ. Tôi luôn cố gắng sống đạo đức, yêu thương nhưng có một sự thực đáng buồn là giữa nhận thức và hành động, giữa điều tôi muốn và việc tôi làm không phải lúc nào cũng ăn khớp nhau. Tôi biết nói dối là tội, tôi rất muốn sống thành thật, ngay thẳng, nhưng tôi vẫn dối trá biết bao lần không đếm xuể. Tôi biết giận dữ là sai, tôi rất muốn sống nhu mì, hiền hoà, nhưng khi cơn giận nổi lên tôi vẫn không kiềm chế được. Tôi biết tham lam là tội nhưng thật khó mà thoả mãn với những gì tôi đang có, luôn luôn muốn được nhiều hơn, nên cứ so đo, kèn cựa, ganh tị với bè bạn, lang giềng. Con người bất toàn tội lỗi trong tôi không cho phép tôi làm điều tốt tôi muốn, còn điều xấu tôi không muốn thì cứ tái phạm hoài!!
Cảm tạ Chúa Giê-xu, khi tôi tiếp nhận Ngài thì tôi được liên hiệp làm một với Ngài là Đấng Sống. Chúa bị đóng đinh trên cây thập tự, thì con người cũ, con người xấu xa tội lỗi của tôi cũng bị xử tử theo tại đó rồi. Chúa sống lại, tôi cũng được cùng sống với Ngài bằng con người mới, con người có Chúa ở cùng. Tôi bắt đầu một đời sống mới, không phải là tôi sống nữa nhưng Chúa Giê-xu sống trong tôi. Tay tôi Chúa sử dụng, chân tôi Chúa bước đi, miệng tôi Chúa nói năng, trí tôi Chúa suy nghĩ… Tôi không làm được điều mình muốn nhưng Chúa Giê-xu làm được và Ngài sẵn sàng làm qua tôi khi tôi dâng trọn đời sống tôi cho Ngài cai quản hướng dẫn vì Ngài là Đấng Sống, là Thượng Đế quyền năng nên chỉ mình Ngài mới có thể ban quyền năng và sức sống cho tôi và cho tất cả những ai bằng lòng tin nhận Ngài để sống một cuộc đời đắc thắng. Những khi tôi vấp ngã, tôi ăn năn với Chúa, Ngài tha thứ cho tôi và vực tôi đứng dậy tiếp tục bước đi trong cuộc đời. Cuộc sống thật tuyệt vời khi có Chúa Giê-xu.
SỐNG THOẢ LÒNG
Đạo nào cũng đề cập đến những ý niệm thưởng phạt vì đây là luật công bình. Trước đây, khi nghĩ đến thưởng phạt, tôi cảm thấy lo âu về những bất toàn, lầm lỡ, sai trái, tội lỗi của tôi trong quá khứ, xuất phát từ sự thiếu kinh nghiệm, không làm chủ được mình, từ việc đặt ưu tiên là chính mình và gia đình mình… Tôi luôn có những sai phạm với chính mình, với người khác và với Đấng Tạo Hoá; vài việc nhỏ tôi có thể quên đi nhưng vẫn còn nhiều việc còn hằn sâu vào ký ức cứ khuấy động lương tâm tôi, khiến tôi ân hận, ray rứt vô cùng mỗi khi nhớ lại. Dù luật pháp không hề có điều khoản nào kết án ‘tình trạng tội lỗi’ nhưng sâu thẳm trong lòng tôi, tôi biết mình đã bị lên án. Học thức, tiền bạc, tiện nghi vật chất, tu dưỡng công đức… đều bó tay; không một điều gì, không một ai có the giúp tôi giải quyết tình trạng tội lỗi của tôi được.
Nhưng thật vui mừng vì Chúa Giê-xu đã giúp tôi giải quyết nan đề trên bằng cách chính Ngài mang lấy tất cả tội lỗi tôi, chịu hình phạt thay thế cho tôi -và cho những ai bằng lòng tin Ngài- Chúa Giê-xu đã từng tuyên bố: Mục đích của Ngài đến thế gian là tìm và cứu con người ra khỏi vòng kiềm toả của tội lỗi bằng sự chết của Ngài. Nếu Ngài chết luôn như tất cả mọi người thì khó tin được giá trị chuộc tội của sự chết đó. Nhưng sự kiện lịch sử Chúa Giê-xu sống lại là bằng cớ hùng hồn nhất để tôi tin rằng Ngài đã chết thế cho tôi. Những tội lỗi mà trước đây tôi tìm phương tự giải thoát thì nay đã được bôi xoá: tôi được tha thứ hoàn toàn khi tin vào sự chết và sự sống lại của Chúa Giê-xu.
Đấng Sống lại còn ban Thánh Linh để giúp tôi hiểu ý muốn Đấng tạo dựng nên tôi. Qua lời Kinh Thánh, tôi biết phải sống thế nào cho đúng với ý muốn của Thượng Đế. Không một người con nào được gọi là hiếu thảo nếu không sống theo ý muốn tốt lành của cha mẹ. Trước đây tôi như đứa con hoang đàng, phản nghịch Cha Thánh, nay nhờ Chúa Giê-xu, Thượng Đế đã tha thứ cho tôi, nhận tôi làm con Ngài, lại bày tỏ cho tôi ý muốn Ngài và ban năng lực cho tôi thực hiện được nữa. Cuộc sống mới của tôi có ý nghĩa và được vui thoả vì tôi đã sống đúng theo ý muốn Cha Thiên Thượng.
Chúa yêu tôi, Ngài luôn ban mọi điều tốt nhất cho tôi -không nhất thiết luôn luôn đúng theo ý của tôi-. Dù gặp hoạn nạn, khó khăn trong cuộc sống, tôi vẫn cảm biết bàn tay chăm sóc của Ngài, như người cha yêu con cho con uống thuốc đắng để được lành bệnh. Tôi thoả lòng bước đi trong nghịch cảnh vì tin tưởng vào Tình Yêu của Ngài đối với tôi.
Tôi sống vui vì đang ngồi trên chiếc xe cuộc đời với Ngài, có Kinh Thánh là Lời Ngài soi đường dẫn lối, được tâm giao trò chuyện cùng Ngài bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu và trong tình trạng nào. Tôi biết ‘bến đỗ’ của tôi là nơi Chúa ngự, là Thiên Đàng vinh hiển đời đời, có Chúa Giê-xu đang dang tay chờ đón tôi, người con được Ngài yêu. Đây cũng là động cơ giúp tôi theo đuổi một cuộc sống cao đẹp, hướng thượng trong những ngày trên đất nầy. Cảm tạ Chúa Giê-xu đã và đang tiếp tục thực hiện trong tôi lời Ngài phán hứa: “Ta đã đến để các con được sống và được sự sống dư dật”
.
CÙNG BẠN ĐỌC
Tôi nhớ lúc còn nhỏ có đọc quyển hồi ký ‘Papillon, Người Tù Khổ Sai’ của Henri Charrière, trong đó có đoạn kể chuyện hai tù nhân trên chặng đường vượt ngục. Bỗng một người phát hiện mình bị lọt xuống một vùng sình lầy cát lún; sình thì bám chặt đến độ không rút chân lên được, cát lại lún lôi anh xuống dần! Ban đầu người ấy cố gắng vùng vẫy mong ra khỏi vũng sình lún đó, nhưng càng vùng vẫy, anh càng lún mau hơn, sâu hơn. Anh hoảng sợ, đứng yên; tuy mức lún dần có chậm hơn trước nhưng sức nặng của thân thể vẫn lôi anh xuống từ từ… từ từ… Câu chuyện mô tả vẻ mặt tuyệt vọng, hãi hùng của nạn nhân và cảm giác lặng người khiếp đảm, bất lực trước cái chết của người bạn đồng hành. Câu chuyện ghi lại cảnh bi thảm, tiếng kêu la tắt lịm khi nạn nhân bị lún chìm đến mũi, chỉ còn lại ánh mắt kinh hoàng, rồi… trên mặt sình chỉ còn thấy những sợi tóc bay bay và…!!!
Câu chuyện bi thương trên khiến tôi liên tưởng đến thân phận con người trong cõi nhân sinh. Ai nấy đều đang lún trong vũng sình lầy tội lỗi. Người thì đang vùng vẫy tưởng có thể tự cứu mình; người thì lo nghiên cứu và chỉ dẫn người khác các phương pháp tự cứu; một số người không cần quan tâm đến, chỉ lo bắt ốc mò cua; một số khác lại thờ ơ bất chấp điều gì đang xảy đến… nhưng dù thế nào đi nữa, hoặc nhanh hoặc từ từ, mỗi người vẫn đang lún xuống.
Mọi người đều ở trong tình trạng như mình, ai có thể cứu mình?
Bạn thân mến,
Tôi không giới thiệu cho bạn một tôn giáo vì tôn giáo không cứu được ai.
Tôi không giới thiệu một phương thức tu luyện vì không ai có thể tự cứu mình.
Tôi không giới thiệu bạn đến với con người vì người không thể cứu người.
Tôi xin giới thiệu Chúa Cứu Thế Giê-xu cho bạn vì Ngài là Đấng vượt khỏi con người, Đấng đứng bên ngoài vũng sình tội lỗi, là Thượng Đế hằng sống, Đấng vô tội, đầy quyền năng và yêu thương con người đến nỗi đã giáng thế làm người, chịu chết thay cho tội lỗi của chúng ta, đã chết thay cho bạn và tôi, cũng đã sống lại để ban sự sống cho mọi người tin Ngài.
Kinh Thánh bày tỏ: “Đang khi chúng ta còn là người tội lỗi thì Chúa Cứu Thế Giê-xu vì chúng ta mà chịu chết”. Chúa Giê-xu là Đấng duy nhất có thể cứu chúng ta. Ngài đang đưa tay ra, chờ đón những ai bằng lòng nắm lấy tay Ngài để Ngài kéo lên khỏi vũng bùn sình tội lỗi.
Bây giờ tôi không còn lo lắng cho cuộc đời mình nữa. Những tháng ngày sống trên cõi đời, tôi sống với Chúa. Chúa ngự trong tôi, sống với tôi trong từng sinh hoạt thường ngày. Tôi thật sự tìm được mục đích và ý nghĩa của cuộc đời. Khi lìa đời, tôi biết tôi về đâu, ‘bến đỗ’ là bến nào, đó là Thiên Đàng, nơi tôi được mặt-gặp-mặt và sống với Chúa tôi đời đời.
Khi đến với Chúa Giê-xu tôi đã nhận ra rằng: “Không phải Đạo nào cũng là Đạo”. Chúa Giê-xu đã cứu tôi. Ngài cũng đang chờ để cứu bạn. Chúa Giê-xu luôn mở rộng vòng tay tiếp đón bạn. Ước mong bạn sớm có một quyết định cho cuộc đời, cho linh hồn mình trước khi quá muộn.
Để mời Chúa ngự vào lòng, bạn chỉ cần thành tâm thưa với Ngài mấy lời, đại ý như sau:
‘Kính lạy Thượng Đế là Đấng tạo dựng nên con, lâu nay con sống theo ý của con và không tôn thờ Ngài. Giờ đây, con vui mừng cảm tạ Ngài vì Ngài đã yêu thương con, đã ban Chúa Giê-xu giáng thế làm người, chịu chết thay tội lỗi của con; con bằng lòng tin và tiếp nhận Ngài. Xin Chúa tha tội cho con, ngự vào lòng con, nhận con làm con của Ngài, làm Chúa cuộc đời con. Xin Chúa giúp con sống theo Lời Ngài để đời con thoả vui và có y nghĩa, con cảm tạ Ngài. Con thành tâm cầu nguyện, nhân danh Chúa Giê-xu. A-men.’ (*)?
(*) A-men có nghĩa là ‘thành tâm nguyện ước như vậy’.